SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH TLK
Tel: 0243 2011 747 Hotline: 097 211 8764

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Ngày 04/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2019.

Theo đó, các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã có những thay đổi, khắc phục những hạn chế của những quy định trước đây tại Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, cụ thể:

Nghị định số 90/2011/NĐ-CP trước đây quy định một trong các điều kiện phát hành trái phiếu là DN phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành. Tuy nhiên, trên thực tế, một số DN muốn phát hành trái phiếu cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ không đáp ứng được điều kiện này nên không thể phát hành được trái phiếu để huy động vốn. Để khắc phục hạn chế này, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành. Đồng thời, quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt nhằm cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP cũng quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định này được nhận định sẽ góp hần định hướng nhà đầu tư mua trái phiếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phân biệt rõ kênh phát hành riêng lẻ với kênh phát hành ra công chúng theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Bên cạnh đó, đối với giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Nghị định này quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư trong vòng một năm kể từ ngày phát hành. Sau một năm, trái phiếu được tự do giao dịch không bị hạn chế về số lượng nhà đầu tư.

Nhìn chung, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP được ban hành sẽ góp phần xây dựng khung pháp lý rõ ràng trong hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của hoạt động này. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích của những các cá nhân, tổ chức mua trái phiếu một cách đầy đủ, hạn chế tối đa rủi ro.

QUY ĐỊNH MẪU BIỂU BÁO CÁO VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ NỢ CÔNG

Ngày 13/09/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2018/TT-BTC về quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công. Thông tư này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Theo đó, Thông tư số 84/2018/TT-BTC có những nội dung mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Thông tư này quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công theo quy định tại các Điều 60 và Điều 61 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14; Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/06/2018 về nghiệp vụ quản lý nợ công.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập báo cáo về nợ của chính quyền địa phương theo mẫu biểu quy định tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Thứ ba, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan cho vay lại, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ thực hiện báo cáo về tình hình quản lý, thực hiện cho vay lại, thu hồi, hoàn trả vốn cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và mẫu biểu quy định tại Thông tư 80/2018/TT-BTC ngày 28/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Thứ tư, Chủ dự án, ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo lãnh vay vốn hoặc phát hành trái phiếu thực hiện báo cáo theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và mẫu biểu tại phụ lục đính kèm Thông tư số 58/2018/TT-BTC ngày 10/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn biểu, mẫu cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh.

Thứ năm, đối với các số liệu, báo cáo khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, các cơ quan, đơn vị báo cáo thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Có thể thấy, Thông tư số 84/2018/TT-BTC đã có những quy định chi tiết và cụ thể về mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công, qua đó góp phần đảm bảo sự hiệu quả, tính thống nhất, chính xác, công khai và minh bạch đối với các hoạt động này.

ĐẾN 2022, LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI PHẢI ĐÓNG 8% BHXH BẮT BUỘC

Ngày 15/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động nước ngoài như sau:

- 3% vào Quỹ ốm đau thai sản;

- 0,5% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- 14% vào Quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022.

Nghị định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

 

LIÊN HỆ CUNG CẤP DỊCH VỤ (Vui lòng click vào nút dưới đây để chọn gói dịch vụ)

TƯ VẤN PHÁP LUẬT QUA VIDEO CỦA TLK

XEM THÊM
×
CÔNG TY LUẬT TNHH TLK
Giấy phép hoạt động số: 01021852/TP/ĐKHĐ cấp bởi Sở Tư pháp TP. Hà Nội
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT 24/7
GỌI NGAY: 097 211 8764
Vì trách nhiệm cộng đồng - Tư vấn hoàn toàn miễn phí
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
Tổng lượt truy cập: 9.605.425
Xem trong ngày: 3.452
Đang xem: 60
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo